Chùa Yên Tử Quảng Ninh, hệ thống các chùa ở khu du lịch Yên Tử

25/05/2019
tin tức

Khu du lịch Núi Yên Tử, nơi linh thiêng cũng như suất phát của môn phái Thiền Phái Trúc Lâm. Du lịch Yên Tử bạn có biết hệ thống chùa và có bao nhiêu ngôi chùa ở đây, tất cả những thông tin đó sẽ được giải đáp cho bạn hệ thống các chùa Yên Tử Quảng Ninh trong bài viết này

 

Hệ thống các chùa ở khu du lịch Yên Tử

 

Ngày nay du khách thập phương trẩy hội về Yên Tử ngày một đông bởi đó chính là con đường tới Cõi Phật, tới cái tâm thiện căn của chính bản thân mình. Cùng chúng tôi hành trình về khu du lịch yên tử quảng ninh với tour du lịch qua các ngôi chùa sau.

Chùa Trình

Theo tín ngưỡng dân gian

Từ ngàn xưa thì : “Đi trình, về tạ”, có lẽ cũng chính vì lý do đó mà ngôi chùa đầu tiên của di tích danh thắng Yên Tử được mang tên “chùa Trình” – Đây là điểm dừng chân đầu tiên của khách thập phương hành hương vào đất Tổ Thiền Trúc Lâm.

Tương truyền: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, nơi đây đã được làm địa điểm phục kích, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng 1288, quét sạch bang giặc ra khỏi nước nhà, bởi khi xưa sông sát chùa.

Năm 1299, vua Trần Nhân Tông hành hương đến núi Yên Tử tu hành , đây cũng chính là nơi vua Trần Nhân Tông đã đặt chân lên mảnh đất Bí Thượng. Vua Trần cho lập một ngôi đình trạm làm nơi dừng chân giữa độ đường của các Phật tử và thiện nam tín nữ thập phương trước khi hành hương vào Yên Tử.

Lịch sử của Chùa Trình

Về sau, ngôi đình trở thành chùa, mang tên là Bí Thượng ( vì chùa nằm trên địa phận Thôn Bí Thượng, phường Phương Đông – thành Phố Uông Bí nên nhân dân đặt tên chùa là Bí Thượng) .

Thời Pháp thuộc, chùa bị đốt cháy. Sau khi xây dựng lại, giặc Pháp lại phá huỷ chỉ còn lại nền móng hoang phế và 03 tháp gạch thời Trần (trong đó có một ngôi tháp khá nguyên vẹn). Về sau này, một bà họ Bùi đã phát tâm công đức xây dựng chùa đơn giản và nhỏ hơn thờ tượng Phật và Tứ phủ.

Với những giá trị lịch sử của ngôi chùa, năm 2006, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã trùng tu và xây dựng chùa Trình mới trên nền móng của chùa cũ theo kiểu kiến trúc thời Trần.

Ngày nay, bên cạnh và ở về phía Đông của chùa là trụ sở chính của Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh, nơi thường diễn ra các khóa lễ ngày cúng Phật, lớp “an cư kết hạ” và tổ chức các lớp khóa tu mùa hè, giảng pháp cho Phật tử muôn phương trở về.

Chùa Suối Tắm

chùa yên tử quảng ninh

Từ quốc lộ 18A vào Yên Tử qua dốc Cửa Ngăn ta nhìn xuống chùa Suối Tắm nằm bên dòng nước trong xanh dưới bóng cây đa đại thụ.

Chùa tọa lạc trên thế đất đầu rùa, là con vật đứng thứ ba trong tứ linh nên rất thiêng. Trước chùa là dòng Suối Tắm.

Tục truyền

Sau khi vượt dốc vào Yên Tử, thầy trò Trúc Lâm ghé qua đây. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cộng thêm bụi đường quyện lẫn mồ hôi khiến trong người bức bối. Vua Trần đóng khố nhoài mình nơi dòng nước trong xanh, dòng suối cuốn trôi bụi trần ra sông biển, kể từ độ ấy suối được đặt tên: suối Vua tắm.

“Nhác trông thấy miếu con con

Bước xuống Suối Tắm đâu còn trần ai”

Xưa kia chùa chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Nguyệt Nga công chúa, em gái Quận He Nguyễn Hữu Cầu, lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ thứ XVIII. Nguyệt Nga công chúa nổi tiếng là người tiết hạnh lại lập công lớn bà mất khi còn rất trẻ. Thời nhà Nguyễn, bà được sắc phong là Phúc Đẳng Thần, trấn giữ đường vào cõi Phật.

Chùa thờ ai

Nơi thờ Phúc Đẳng Thần Nguyệt Nga công chúa mang tên suối, nay là chùa Suối Tắm. Miếu Suối Tắm được xây dựng theo phong cách lăng tẩm thời Nguyễn. Trước miếu thờ thần sau thờ Phật (tiền Thánh hậu Phật).

Miếu thờ Nguyệt Nga công chúa mặc nhiên trở thành chùa Suối Tắm ngày nay. Cuối năm Mậu Tý (2008), chùa Suối Tắm được xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Cùng dốc Cửa Ngăn, chùa Suối Tắm là ngưỡng cửa ngăn cách giữa trần gian và cảnh Phật.

 

Chùa Cầm Thực

chùa yên tử quảng ninh

                 

Tục truyền

Chùa tọa lạc trên một đỉnh núi tròn như  “ mâm xôi” ở về phía trái lộ trình về Yên Tử. Tương truyền rằng, hơn 700 năm trước, khi vua Trần cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống suối tắm gội sạch bụi trần, tiếp tục lộ trình vào Yên Tử.

Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời thầy dùng bữa mới sực nhớ suất ăn của hai thầy trò đã bố thí cho người hành khất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi này.

Để ghi lại sự tích trên, người xưa dựng chùa đặt tên là Cầm Thực. Chùa còn có tên là Linh Nhâm Tự. Đây là tên của một vị thiền sư có công xây dựng và trụ trì nhiều năm ở ngôi chùa này.

                      

Lịch sử

Chùa xưa được xây dựng vào thời Trần, chỉ còn lại dấu tích và được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 1988, nhờ công đức của thập phương, cụ quản tự Bùi Văn Hải (là người địa phương) đã cùng Phật tử xây dựng lại ngôi chùa, nhà khách, cổng tam quan và dựng mố cầu.

Cầu chưa xây xong thì cụ tịch (tháng 6 năm 1994), người sau hoàn thiện phần còn lại, cây cầu ba nhịp mặt cầu cong duyên dáng. Thành cầu trang trí búp hoa sen chưa nở, phía bên kia cầu là cổng tam quan dáng vẻ cổ kính đắp nổi đôi câu đối viết theo lối chữ thảo:

                     “ Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự

                        Kim thời hiển tích Trúc Lâm Thiền”

                          Dịch nghĩa:

                     “ Từ xưa vẫn lưu danh ngôi chùa Bóng Thiêng

                      Thời nay sự tích Thiền Trúc Lâm còn hiển hiện ”

Năm 2004, bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của thập phương chùa Cầm Thực được xây dựng lại khang trang như ngày nay.

Chùa có kết cấu kiến trúc bằng bê tông cốt thép, hình chữ “đinh” gồm ba gian, hai trái.Tượng thờ trong chùa được bài trí theo kiến trúc chùa Việt và Phật giáo Đại Thừa.

 

Chùa Lân ( Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử)

 

Vị trí chùa Lân

Theo các nhà khảo cổ học thì chùa Lân được xác định là một công trình kiến trúc khá lớn trước đây. Đến nay những di vật cổ quý giá, những hoạ tiết hoa văn. Trên các công trình kiến trúc thu lượm được trên nền móng của chùa Lân cũ đã minh chứng cho nơi đây.

Có thể là trung tâm lớn thứ hai sau trung tâm Hoa Yên tại kinh đô Phật Giáo Yên Tử. Chùa được toạ lạc trên triền núi có dáng giống hình con Kỳ Lân nằm phủ phục nên chùa được đặt tên theo dáng núi .

Chùa Lân tên chùa cũ là Long Động Tự (chùa Động Rồng). Chuyện cũ kể rằng: sau khi vượt bè vào Yên Tử trời cũng đã muộn ,thầy trò Bảo Sái nghỉ lại qua đêm ở đấy trước khi vào Sơn Môn tu hành.

Đêm ấy vua Trần nằm mơ cưỡi trên lưng rồng vàng, rồng đưa ông du lạc trên hố sen rất đẹp, nở đầy những đoá sen vàng. Hương hoa tỏa thơm ngát không gian , rồng vàng đặt vua lên một đài sen .

Tục truyền

Vua giật mình tỉnh giâc, hương sem vẫn còn thơm thoang thoảng .Vua đem chuyện giấc mơ kỳ lạ kể cho Bảo Sái , thầy trò thắp lửa và thấy xung quanh mình có rất nhiều rồng đất . Vua bảo : “đây là nơi rồng ở” bèn đặt tên cho nơi đây là Động Rồng.

Về sau, chốn đất linh thiêng này được xây dựng một ngôi chùa to đẹp và lấy tên chùa là Chùa Động Rồng ( Long Động Tự ). Ngôi chùa cổ thời Trần qua thời gian chỉ còn lại nền móng và những phế tích của kiến trúc cũ.

Đặc biệt chùa Lân

Có vừơn tháp gồm 23 ngọn tháp chỉ đứng sau vườn tháp Huệ Quang. Các ngọn tháp có bia ghi lại hành trạng của các bậc thiền sư tu hành ở chùa Lân, chủ yếu vào thời Lê.

Ngọn tháp đẹp nhất và cổ nhất có tên gọi Tịch Quang được xây dựng vào năm 1726 .Tháp là nơi quàn xá lị của sư tổ chùa có pháp danh Tuệ Đăng Hoà Thượng trụ trì tại chùa Lân vào thời Lê .

Trước năm 1992 khi tuyến đường Dốc Đỏ chưa được mở như ngày nay, khách  đến Yên Tử thường đi theo tuyến đường vào mỏ than Vàng Danh, theo tuyến đường này thì ngôi chùa đầu tiên khách du lịch dừng chân vào lễ Phật là chùa Lân ,nên một thời chùa Lân còn được giữ vị thế như một ngôi chùa cửa ngõ của khu trung tâm Yên Tử.

Giá trị lịch sử

Với những giá trị lịch sử và vị trí lớn lao của chùa Lân, năm 2002 hoà thượng Thích Thanh Từ cùng các thiền sư của Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt với mong muốn khôi phục lại phái Thiền tại chốn Tổ, đứng ra thu lượm công đức thập phương xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử trên nền móng của chùa Lân cũ, kiến trúc cao thoáng , hoành tráng khang trang theo mô hình như Thiền Viện Đà Lạt.

Ngày 14/12/2002, chùa được khánh thành trên diện tích gần 5 mẫu,với kiến trúc bằng vật liệu hiên đại nhưng vẫn giữ được nét truyên thống của ngôi chùa Việt Nam. Bài trí trong chùa cũng đơn giản, không gian thoáng đãng, chữ quốc ngữ được sử dụng trên các hoành phi,câu đối, thể hiện tinh thần “Phật tại nhân gian”.

Chùa Lân- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

Được xây dựng với 3 chức năng chính:
  • Là nơi nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ các kinh văn,thư tịch,các ấn phẩm văn hóa về Yên Tử,thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
  • Là nơi hướng dẫn tu thiền cho các tu sĩ,phật tử và những ai muốn tu hành Thiền theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
  • Là nơi tham quan,du lịch,hành hương lễ Phật của du khách thập phương

Nơi chuyên tu và sinh hoạt thường nhật của các tăng, ni (thường nhật quý tăng, ni thường dậy lúc 3h sáng ngồi thiền. – 5h trực nhật – 6h ăn sáng – 8h lên “Đại Hùng Bảo Điện” làm lễ sám hối. – 9h làm công việc thường nhật – 11h ăn trưa – 12h nghỉ trưa – 14h ngồi thiền, học pháp. – 16h sinh hoạt cuối chiều – 19h ngồi thiền, học pháp đến 22h thì kết thúc đi nghỉ )

Các công trình chính

Các công trình chính của Thiền viện Trúc Lâm Yên tử bao gồm: Đại Hùng Bảo Điện( Chính Điện ), Nhà thờ Tam Tổ, La Hán Đường, Chánh Pháp Đường, Tượng  Quan Thế Âm, Hồ Tĩnh Tâm. Các công trình được xây  dựng trên diện tích 125.198m2.

Quả cầu như ý, báo ân Phật Tổ

Phía trước Đại Hùng Bảo Điện được đặt một quả cầu có tên gọi là “Quả cầu như ý, báo ân Phật Tổ”. Đây quả cầu làm bằng đá Hoa Cương nguyên khối nặng 6,5 tấn tại mỏ đá An Nhơn, Quy Nhơn, Bình Định, lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

    • Quả cầu Như Ý theo giáo điển Phật Giáo, là biểu tượng của bổn tâm với các đặc tính sáng suốt, tròn đầy, tịch chiếu và vô giá, không có gì sánh bằng.
    • Quả cầu được đặt trên bệ đá Granit nặng 4 tấn. Tất cả được đặt trong bể nước hình Bát giác với 8 bồn hình cánh hoa bao quanh, tám vòi nước tưới xung quanh quả cầu với ý nghĩa “ Bát công đức thủy, tưới mát nhân gian thấm nhuần giáo lý Phật đà, vô ngã, vị tha “.
    • Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là quả cầu làm bằng đá Hoa Cương nguyên khối lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đại Hùng Bảo Điện
    • Chính Điện có tên gọi là “Đại Hùng Bảo Điện“ để tôn xưng đức hạnh từ bi, trí tuệ. Pháp lực cao siêu cứu độ chúng sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên trong có thờ tượng Thích Ca Mâu Ni tọa thiền thành đạo dưới cội Bồ Đề được đúc bằng đồng nặng 4 tấn.
    • Là pho tượng bằng đồng lớn nhất ở Yên Tử hiện nay. Hình tượng Ngài trên tay cầm 1 bông sen với ý nghĩa “ Niêm hoa vi tiếu “.
    • Theo thứ tự từ phải qua trái là những bức tranh nói về quá trình Phật Đản sanh. Hai bên Phật Thích Ca Mâu Ni là 2 vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, ngài Phổ Hiền cưỡi voi trắng chín ngà.
    • Ngài là vị Bồ Tát đẳng giác có năng lực hiện thân khắp 10 phương pháp giới tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ. Bồ Tát Văn Thù cưỡi trên mình con sư tử lớn, Ngài là hiện thân của trí tuệ tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương thức tri thức.
Cung thờ Tam Tổ
    • Ở phía sau Chính Điện, trước cung thờ Tam Tổ là pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ thứ 28 Đạo Phật Ấn Độ đã đến đất nước Trung Hoa truyền giáo, tu hành ở núi Trung Sơn và trở thành vị Tổ đầu tiên của dòng Thiền Trung Hoa.
    • Pho tượng được tạc bằng gỗ giáng hương có nguồn gốc từ Nam Mỹ, tượng cao 3,2m, bệ đỡ cao 0,65m, chiều rộng bệ đỡ 0,95m, nặng khoảng 3,2 tấn được chạm khắc những đường nét rất tinh tế.
    • Cung thờ Tam Tổ là nơi thờ 3 vị Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Ở giữa là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – nghĩa là ông Vua giác ngộ Đạo Phật.
    • Bên trái là Pháp Loa Đồng Kiên Cương, là Đệ Nhị Tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ( Pháp Loa- có nghĩa giống như một chiếc loa lớn truyền bá giáo lý Đạo Phật tới tất cả chúng sinh ).
    • Bên phải là Huyền Quang Lý Đạo Tái, vị đệ tam tổ của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ( Đạo Tái : nghĩa là tải đạo ). Ngài giống như một con thuyền lớn tải đạo đi khắp mười phương truyền bá giáo lý đến mọi người.

Nổi bật nhất ở Chùa Lân

Nổi bật nhất ở Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là tháp Tịch Quang nằm ở phía sau nhà thờ Tổ,trước cổng vào Tiền Đường,bên cạnh có một cây đa ôm cây thị cổ. Tháp được xây dựng bằng cấu trúc đá xanh, gồm 3 cấp, cao 4,5m.

Đế tháp hình tu di tọa có kích thước 1,84m*1,84m.Đế tháp cũng được chia làm 3 cấp.Thân tháp bao gồm 1 khám thờ và 2 tầng tháp. Các góc diềm mái khám thờ và 2 tầng tháp cong hình đầu đao. Chỏm tháp cong hình mui luyện, phía bên trên là bình nước Cam lồ.

Tháp Tịch Quang thờ hòa thượng Tuệ Đăng, tức thiền sư Chân Nguyên. Ông sinh 16/9/1647 tai huyện Thanh Hà ,tỉnh Hải Dương hiện nay.
    • Tương truyền rằng, mẹ ông nằm mộng thấy có 1 ông già trao cho một đóa sen,tỉnh mộng bà liền cảm biết mình có thai. Từ nhỏ ông đã có dáng vẻ thanh tú, cốt cách khác thường,giỏi văn chương,am hiểu Phật pháp.
    • Năm 19 tuổi Ông đến chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử tu hành,sau đó 3  năm ông chuyển ra chùa Long Động. Ngày 28/10/1726, đời Lê Dụ Tông, thiền sư Chân Nguyên viên tịch, thọ 80 tuổi. Ngài được các đệ tử an táng tại 2 nơi là chùa Long Động( Tháp thể) và chùa Quỳnh Lâm (tháp dụng).
La Hán Đường
    • Trong La Hán Đường thờ 18 vị La hán, tượng được tạc bằng gỗ giáng hương, đường nét chạm khắc tinh tế, đủ các dáng điệu tư thế và lai lịch của từng vị.

 

Chính Pháp Đường

Được xây dựng năm 2011,là nơi thuyết pháp cho hàng ngàn chúng tăng,ni,phật tử. Bên trong thờ Phật Thích Ca, Tam Tổ Trúc Lâm và các tôn giả được tạc tinh tế bằng gỗ giáng hương.

Không gian Chính Pháp Đường thoáng đãng,trang nghiêm. Tại đây du khách còn được chiêm ngưỡng pho tượng hòa thượng- viện trưởng Thích Thanh Từ. Ông là một thiền sư tu hành công phu, có công lớn trong việc phục hồi và phát triển dòng thiền Trúc Lâm đời Trần từ những năm 50 thế kỷ XX đến nay.

Hòa thượng  Thích Thanh Từ không chỉ phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam mà còn lan rộng ra một số nơi trên thế giới như:Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc,Pháp, Mỹ….Pho tượng hòa thượng Thích Thanh Từ đúc bằng đồng, cao 2,8m có trọng lượng 1300kg, được đặt ở vị trí trang trọng và gần gũi chúng tăng, ni, phật tử và đại chúng.

Bên cạnh đó là cuốn  sách độc bản “ Thi Vân Yên Tử’ do tác giả Hoàng Quang Thuận cúng dường chư Phật ,chư Tổ vào ngày 12 tháng Chạp năm 2011. Cuốn sách độc bản có kích thước lớn nhất từ trước tới nay, chủ yếu được làm thủ công do Trần Quốc Ân và Phạm Tú thực hiện năm 2011, với chiều dài 125cm, rộng 80cm, dày 16cm, trọng lượng 120kg.

Tất cả 143 bài thơ được trình bày bằng chữ Quốc ngữ và thư pháp Việt trong 300 trang giấy chất liệu đặc biệt in nền hoa văn cúc thời Trần.

Phía trước Chánh Pháp Đường

Là Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, trên tay Ngài có cầm một bình Cam Lồ và cành dương liễu như rửa sạch mọi tội lỗi, diệt mọi tham,sân,si của con người.Quán Thế Âm Bồ Tát không có hình tướng thật nhưng ngài luôn cứu khổ cứu nạn cho con người nên dân gian thường ví ngài như người mẹ hiền cứu vớt các con vượt qua bể khổ trần ai đến bến bờ giác ngộ.

Trước cửa Chính Pháp Đường có hồ Tĩnh Tâm tạo nên sự thanh thản và thư thái cho du khách khi đến vãng cảnh chùa.

 

Chùa Lân- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là một công trình kiến trúc mang nét đẹp cổ kính,hòa vào cảnh  sắc thiên nhiên kỳ vĩ,có những cây thông cổ, cây đa cổ thụ ôm cây thị rất kỳ lạ,linh thiêng:

Xum xuê bên tháp Tịch Quang

Lạ chưa gốc thị ôm choàng gốc đa

Thiên nhiên bài học trong ta

Sống chung hòa thuận ấy  là chân kinh.

 

Chùa Giải Oan

Tục truyền

Chùa Giải Oan được xây dựng dựa vào sườn núi trông xuống suối Giải Oan. Trước kia tên suối là Hổ Khê ( Khe Hổ ). Từ ngày Thái Thượng Hoàng về Yên Tử tu hành, suối được đổi tên thành suối Giải Oan.

Sở dĩ suối có tên như trên là theo một truyền thuyết: Vì không muốn vua cha vào Yên Tử  nên đức vua trẻ Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mĩ nữ tìm đến đây can ngăn xin Thái Thượng Hoàng quay lại triều đình.

Thái Thượng Hoàng không nghe, Người nhẹ nhàng khuyên họ hoặc trở lại triều đình hoặc trở về quê cũ làm ăn, hoặc ra ở làng Nương, làng Mụ. Các quân thần và các cung tần mỹ nữ biết rằng không thể can ngăn được nhà Vua đã trẫm mình xuống dòng suối để tỏ lòng trung trinh .

Thương xót họ, Trần Nhân Tông đã cho lập đàn tràng làm lễ giải oan cho những linh hồn cung nữ , nơi này sau đó dựng chùa Giải Oan. Và suối Hổ Khê cũng được đổi tên thành suối Giải Oan từ thuở ấy.

Ngày xưa, danh sỹ Nguyễn Thượng Hiền có thơ tưởng niệm hương hồn các cung nữ:

Giải kết nỗi lòng ngay với chúa

Oan theo dòng nước sạch cùng vua

 

Lịch sử xây dựng

Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1994, một Việt kiều ở Canada hồi hướng công đức một phần để xây dựng chùa Giải Oan mới trên nền nhà thờ Tổ Giải Oan. Chùa  gồm 5 gian và hậu cung thay thế ngôi chùa được trùng tu vào thời Nguyễn, mái lợp ngói tây, kết cấu cột kèo kiểu chồng giường chữ “ Nhị” . Chùa Giải Oan có số tượng mẫu nhiếu nhất trong số chùa tháp tại Yên Tử, ước chừng tới 20 ngôi .        

Năm 2001, kiến trúc sư Hoàng Trí Dũng thiết kế cây cầu đá bắc qua suối Giải Oan giúp cho du khách lại qua con suối mùa mưa được dễ dàng.

Năm 2008 công ty CP – PT Tùng Lâm tiến hành nạo vét đoạn suối hạ lưu cây cầu đá dựng thêm cây cầu gỗ chân trụ đá trên có thủy đình kiến trúc theo lối cổ, tạo thêm cảnh trí ở nơi này.

Bờ suối hiện còn một cây đa cổ thụ tính tuổi có đến vài trăm năm, người xưa liệt Đa vào loài tứ linh trong các loài thảo mộc. Đa chỉ được trồng nơi thờ tự linh thiêng, bên bờ suối Giải Oan không phải là vô cớ.

Suối Giải Oan

Vào mùa khô lòng suối Giải Oan xâm xấp nước sau mỗi trận mưa lòng suối dâng cao, nước suối Giải Oan cuồn cuộn chảy. Ở  bờ bên kia phải mất nửa ngày mới sang được bên này, bởi vậy sự tích các cung tần mỹ nữ trẫm mình dưới dòng suối nơi đây không phải là huyễn hoặc.

Ngày nay du khách về đây nhớ lại tích xưa mà ngậm ngùi thương cảm, sau khi thắp hương linh hồn liệt nữ có người òa khóc như đứa trẻ. Có những nỗi niềm riêng ôm ấp trong lòng, bước xuống suối này tự tâm mình phân tỏ.

Bao nỗi ưu phiền thường nhật chợt lãng quên. Lòng trần nhẹ bẫng, du khách theo đường lát đá lên chùa.

Trước khi lên chùa Giải Oan, du khách dừng chân dâng hương lên 6 ngôi tháp trước cổng chùa. Đó là tháp mộ của sáu vị thiền sư đạo cao đức trọng tu hành chùa Giải Oan thuở trước.

 

Trên nền ngôi chùa cũ, năm 2003 xây dựng điện thờ Mẫu. Phải chăng các cung tần mỹ nữ xưa kia sau khi trẫm mình dưới dòng suối Hổ Khê linh hồn của họ siêu thoát về thiên cung thoải phủ hiện thân thành Mẫu tôn thờ ở chốn Giải Oan này.

 

Vườn Tháp Huệ Quang ( Tháp Tổ)

Huệ Quang Kim Tháp

Leo 79 bậc dốc Voi Quỳ nơi xưa vua Trần Anh Tông đến đây thường dừng voi hạ kiệu đi bộ lên bái yết cha mình, du khách đặt chân đến Tháp Tổ hay còn gọi là Huệ Quang Kim Tháp cao 6m81 vút lên sừng sững giữa khu đất hình bán nguyệt.

Đây là cụm tháp lớn nhất khu di tích với 65 ngọn tháp lớn nhỏ của các nhà tu hành thời Trần, Lê, Nguyễn đã trọn đời ở lại với Đức Phật.

Trong đó có 52 ngọn tháp còn nguyên vẹn, 13 tháp chưa được trung tu và tôn tạo. Một số tháp còn lưu lại năm xây dựng ,sự nghiệp tu hành của các thiền sư như tháp Tôn Đức thờ Thiền sư Minh Hành, chân tháp hình bát giác không đều, tầng chính giữa cao 1,4m trong ngăn thờ có 1 pho tượng tạc bằng đá xanh. Tháp xây dựng năm 1659 niên hiệu Vĩnh Thọ Triều Lê.

Tháp Diệu Đăng

Thờ sư bà Diệu Đăng vốn là cung phi trong phủ chúa Trịnh tên thật của bà là Phạm Thị Ngọc Khoa, tháp xây dựng vào ngày lành tháng thu năm Ât  Sửu  niên hiệu chính hoà thứ 6 (1685) Triều Lê. Ngoài ra còn một số tháp còn tên khác như tháp: Trường Quang, Hiếu Từ, Bảo Quang.

 

Tháp Tổ

Ngôi tháp lớn nhất thờ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Tháp xây dựng vào thời Trần khi Vua Trần Nhân Tông viên tịch được 1 năm(1309) là nơi lưu giữ xá lợi của Người, phần xá lợi được chia làm 5 phần:

    • Phần 1. chôn cất tại Phật Hoàng Tháp – Am Ngoạ Vân – Đông Triều.
    • Phần 2. chôn cất tại kinh thành Thăng Long hiên tại vẫn chưa xác định rõ vị trí.
    • Phần 3. được chôn cất tại tháp Phổ Minh – Nam Định.
    • Phần 4. được chôn cất trước chùa Quỳnh Lâm – Đông Triều.
    • Phần 5. chôn cất dưới nền Tháp Tổ.
Tháp Tổ có 7 tầng được ghép lại với nhau theo phương pháp đổ chì mộng cá, một phương pháp thường gặp trong kiến trúc cổ. Càng lên cao tháp càng được thu nhỏ lại và đỉnh tháp là búp sen đá chưa nở, thuôn thả với các nét khắc tạo nông mờ kín đáo.

Tầng 1 mở cửa hướng chính nam là Bát Nhã(trí tuệ) và được nâng đỡ bởi 100 cánh sen mở rộng ôm lấy thân tháp, phía bên trong thờ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi theo thế liên hoa toạ (ngồi hình đài sen) cả tượng và ngai đỡ đều được làm bằng đá cẩm thạch.

Tượng cao 0,62m hai tay tượng đặt lên đùi , khuôn mặt dung dị ,ánh mắt cảm thông ,thanh cao và trí tuệ. Thân tượng khoác trên mình chiếc áo cà sa của phái Tiểu Thừa Nam Tông (có ý nghĩa đoàn kết tôn giáo) những đường nét giàu chất tạo hình ,lượn sóng mềm mại.

Kiết trúc Tháp Tổ

Tường vây 4 phía Tháp Tổ cao 2m61, dài 12m08 tạo nên sân tháp hình vuông, tường được xây bằng 2 hàng gạch song song và ở giữa đổ đất , sau nhiều năm rễ của cây đại cổ ăn sâu vào bên trong bờ tường làm bức tường bị phình ra 2 bên .

Năm 1995 đã được trùng tu và trát vữa, gia cố có chắc chắn hơn. Bên trên bờ tường được lợp bằng ngói mũi hài, uốn cong và đỏ dốc về hai phía, đây là một trong những đặc trưng của nhà Trần. Cửa tiền cao 1m67, cửa hậu cao 1m79.

Sở dĩ chiều cao của cửa thấp hơn so với đầu người như vậy để mỗi khi ai đến đây đều phải cung kính trước Đức Phật. Bệ tháp gắn với những hoa văn hình sóng nước một nét đặc trưng của nhà Trần xưa. Thuỷ tổ của nhà trần xuất thân từ nghề chài lưới, vì sống cùng nghề sông nước nên mới tạo ra những đường nét có hoa văn mềm mại như vậy.

Tất cả các hoa văn đều được tạc bằng đá gạo lấy tại Yên Tử ( đá gạo rất khó để tạo nhừng hoa văn như vậy). Chi tiết này chứng tỏ thời Trần đã có một đội ngũ tay nghề với trình độ rất cao, hàng hoa cúc dây trên những cánh sen càng tinh xảo hơn

 

Đặc biệt của ngôi tháp

Một điều rất đặc biệt của ngôi tháp này là tất cả các số đo về chiều cao, chiều dài, số lượng đều là số lẻ. Phía sau tháp là 4 cây đại cổ sống trường tồn cùng thời gian qua khói binh, lửa đạn, vươn mình ấp ôm ,che chở lấy thân tháp toả bóng mát cho nơi yên nghỉ của người

Hai cây đại cổ dáng hình rồng

Đứng nép bên tường đã trổ bông

Hương hoa thơm ngát vườn Mộ Tổ

Ngày xưa Tam Tổ đã vun trồng

Hàng gạch hoa cúc gần 185 viên đã từng in dấu bước chân vua Trần về Yên Tử tu hành rồi hiển phật. Nó có một ý nghĩa rất tâm linh trong đời sống nhân dân Đại Việt xưa. Hình tượng hoa cúc được làm bằng đất nung để lát nền hoặc ốp tường( không dùng để xây). Hình vuông có kích thước 40*40*7cm, có cấu trúc hoa văn trên bề mặt phản ánh rõ nét văn hoá thời Trần mang tính triết lý sâu sắc.

Kết hợp âm dương

Trong đó hình vuông lớn tượng trưng cho đất chứa đựng âm khí, 4 bông cúc là tứ tượng- tượng trưng cho Khí, Thuỷ, Hoả, Thổ; hình tròn bên trong tượng trưng cho trời chứa đựng dương khí, 8 bông hoa cúc nhỏ tượng trưng cho bát quái, 2 bông cúc ở vòng tròn nhỏ trong cùng tượng trưng cho sự kết hợp âm dương, xung quanh viên gạch hình vuông là các vì tinh tú.

Qua hoa văn và hoạ tiết trên gạch hoa cúc thời trần ta thấy rằng ngay từ thời xa xưa người dân Đại Việt đã biết kết hợp âm dương. Thái cực âm dương sinh lưỡng nghi ( trời đất) lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng lại sinh ra bát quái thiên biến vạn hoá ra mọi vật trong xã hội.

Ngự ở hai bên đường gạch hoa cúc là hai chiếc hồ sóng sánh nước, đó là cặp mắt Rồng ngày xưa Tam Tổ trồng hoa sen. Toàn bộ khu vườn tháp được coi như phần đầu Rồng. Du khách mỗi khi xuống đây sám hối nguyện cầu kinh Phật làm lễ hành thiền quanh lăng mộ Phật Hoàng thấy lòng nhẹ nhàng lâng lâng.

Chùa Hoa Yên

Tục truyền

Vượt qua dốc Dây Diều 134 bậc đá du khách đặt chân đến chùa Hoa Yên. Chùa ở độ cao 535m so với mực nước biển tọa lạc trên triền núi nhô ra tựa trán rồng  đây là trung tâm phật giáo của Yên Tử.

Xưa chùa còn có tên là Vân Yên, chùa Chính hay chùa Cả cũng chính là đầu não của khu di tích. Thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông lên chùa thấy cảnh sắc tươi tốt, trăm hoa đua nở, đã đổi tên chùa Vân Yên thành Hoa Yên như ngày nay.

Cách đây hơn 700 năm khi vua Trần còn tại thế chùa chỉ là những am thất nhỏ được ngài dựng sơ sài bằng lá tre hoặc bằng lá cây rừng. Đây là nơi tu hành chính của người đồng thời là nơi vua Trần thường tiếp vua quan trong triều đến yết kiến và mở các lớp truyền yếu chỉ thiền tông cho các đệ tử tu hành ở đây và phật tử bốn phương

Sau khi Trần Nhân Tông hiển phật đến thời Pháp Loa cũng là thời kì phát triển cực thịnh của thiền phái Trúc Lâm ủng hộ của triều đình nhà Trần cùng toàn thể nhân dân , Pháp Loa đã cho xây dựng ở đây một ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất trong khu Yên Tử thời đó .

Chùa có kiến trúc chữ “ đinh” 5 gian 2 trái có lầu trống, lầu chuông ,nhà dưỡng tăng ,nhà giảng đạo

Ngày “an cư kết hạ” ( 15-4 Âm lịch ,tháng 7) các nhà tu hành thường hội tụ về sơn môn học tập .

Đất Bắc phồn vinh sùng Đạo Phật

Nước Nam oanh liệt có Đời Trần

 (Câu đối đề ở chừa Hoa Yên cũ của Hòa thượng Thích Tố Liên)

 

Lịch sử trùng tu

Năm Minh Mệnh thứ 14, 15 vị tăng ni tu ở chùa Quỳnh Lâm cùng với 30 tín đồ phật giáo Hà Nội đã công đức chuông chùa Hoa Yên. Ngoài bia,tượng,mộ tháp chùa Hoa Yên còn lưu lại nhiều di vật cổ, những viên gạch hoa cúc thời Trần cỡ lớn, những hoành phi câu đối do thượng tọa chùa Phúc Nguyên Thích Quảng Tùng tập hợp công đức của thập phương dâng cúng.

Chùa đã được 2 lần trùng tu có ghi lại niên đại : Vĩnh Thịnh( 1345 – 1358) và Vĩnh Khánh ( 1729 – 1732) . Trải qua cùng thời gian và các cuộc chiến tranh, chùa xưa không còn và được xây dựng lại nhiều lần qua các thời.

Ngôi chùa ngày nay là ngôi chùa mới được Sở văn hóa và BQL di tích Yên Tử nghiên cứu trùng tu và xây dựng lại năm 2002 mang phong cách và kiến trúc của ngôi chùa cổ thời Trần đặt trên chính nền móng của ngôi chùa cổ cũ . Một điều đặc biệt của ngôi chùa là bên trong tượng thờ hoàn toàn làm bằng đồng , pho tượng lớn nhất là tượng Trần Nhân Tông đặt chính giữa bái đường.

Quang cảnh chùa Hoa Yên

Trước cửa chùa là 3 cây đại cổ đã có niên đại hơn 700 năm tuổi gắn liền với sự nghiệp tu hành của vua Trần. Ở phía hồi chùa còn có 2 cây sung cổ, quả sai chiu chít thường xuyên cung cấp cho nhà chùa món quả sung ướp muối trong các bữa ăn chay thanh đạm.

Phía đông sân chùa là bức chạm đá hình trụ vòm ba ni cô ngồi xếp bằng tay vòng trước ngực, cổ đeo tràng hạt, khuôn mặt tròn , bầu bĩnh, từ bi đầy vẻ sùng đạo, phía trước có nghê đá chầu 2 bên, cả bia và nghê tạo thành 2 chiếc ngai đặt bát hương ở giữa – đây là bia Hậu Phật khắc ghi công đức của bà Vũ Thị Phương cứu dân nghèo (1723) thời Lê.

Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu Rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm Rồng. Xét về mặt tâm linh, chùa Hoa Yên là nơi giao hội của trục linh và trục tú, hai bên tả hữu vươn ra như tay ngai, theo thuật phong thủy đây là vị trí đất quý hiếm.

Chùa Một Mái (Bán Thiên Tự)

Một mái chùa xưa giữa trần ai

Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài

Cây bưởi trước chùa đơm trắng xóa

Bạch Vân triền núi một cành mai.

( Hoàng Quang Thuận )

Kiến trúc chùa Một Mái

Từ chùa Hoa Yên, theo hướng tay phải men theo đường đá khoảng 200m với hàng Xích Tùng cổ kính là đến chùa Một Mái, cảnh trí thiên nhiên thật là ngoạn mục. tiếng chim hót, tiếng suối reo hòa cùng bản đại nhạc của núi rừng Yên Tử.

Chùa Một Mái, tên chữ là Bán Thiên Tự – Vì chùa ở cao giữa lưng chừng trời, nửa chùa phô ra bên ngoài trời, còn lại nửa chùa ẩn sâu trong hang đá. Khi chưa có chùa, nơi đây gọi là Am Ly Trần.

Cảnh Am tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục. Điều Ngự Giác Hoàng thường ngồi nơi đây tụng kinh, đọc sách . Các văn từ, thư tịch được lưu trữ ở đây. Sau khi vua Trần hiển phật, người sau lập chùa ở Am này.

Xưa kia chùa còn được gọi tên là Thanh Long Động vì trong chùa có nhiều hang động. Xưa, động này nhiều rắn nhất là rắn xanh nên có tên là Động Rồng Xanh

Nét độc đáo Chùa Một Mái

Chùa Một Mái dài 4 gian, chiều ngang hẹp có chỗ nghỉ 2m, tượng và đồ thờ được chạm bằng đá trắng vào thời kỳ cuồi Lê, đầu Nguyễn. Tất cả còn khá nguyên vẹn, đây là nét độc đáo của ngôi chùa này.

Dưới lối lên chùa Một Mái có ngôi tháp được xây dựng vào thời Lê, tháp có tên là Thanh Long Tháp thờ thiền sư Nguyên Hội, đã trụ trì và đắc đạo tại ngôi chùa này.

Trong ngách hang có một núm đá, nước nhỏ từng giọt một cả ngày lẫn đêm xuống hõm đá trũng sâu trong hang đá như sữa mẹ . Người xưa truyền rằng : nguồn nước này ai uống vào thân thể khỏe mạnh, vã nước lên mặt sẽ có dung mạo sáng sủa.

Dựa vào tích đó mà người đi lễ đều uống nước khi đến đây , những người có con nhỏ nuôi khó đến đây cũng xin nước về cho con uống với mong muốn con cái họ “ hay ăn chóng lớn”.

 

Chùa Bảo Sái

 

Tương truyền         

Bảo Sái chênh vênh trên đỉnh núi, ở độ cao 724m so với mực nước biển. Thời kì vua Trần tu hành, nơi đây chỉ có am trong động, am được gọi là “ Ngộ Ngữ Viện”. Nơi lưu giữ kinh sách thư tịch, mọi giấy tờ tác phẩm kệ, thi ca dưới thời Vua Trần Nhân Tông về đây tu hành.

Chuyên tu ở đó là một vị đại đệ tử thân tín nhất của vua Trần là Bảo Sái, ông được vua Trần giao cho công việc biên tập và ấn tống tất cả các kinh văn của Thiền phái Trúc Lâm rồi chuyển xuống Hoa Yên, Quỳnh Lâm, Côn Sơn và Vĩnh Nghiêm để truyền giảng thiền tông cho các phật tử trong cả nước Đại Việt.

Sang đời Đệ nhị Pháp Loa, trước cửa Ngộ Ngữ viện xây dựng lên một ngôi chùa nhỏ, trong động thờ Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông , sau khi tổ Bảo Sái viên tịch Ngộ Ngữ viện thành chùa.

Lịch sử xây dựng

Người sau lấy tên Tổ đặt cho chùa, do ở trên độ cao nên chùa bị thiên tai hủy hoại, đến cuối năm 1907 ni sư  Đàm Thái về ở đây thâu lượm công đức thập phương xây chùa Bảo Sái thành chùa đẹp nhất Yên Sơn, rồi chùa bị sập do một tảng đá to lăn xuống.

Gìa bản kể trước đây ở chùa Bảo Sái có một nhà sư ngày ngày chểnh mảng với việc tụng niệm, không giữ được giới hạn thanh tịnh, làm điều ô uế chốn phật đường, trong cơn mưa lớn một tảng đá từ trên đỉnh núi lăn xuống, làm bạt mái chùa. Cánh cửa chùa văng xuống núi ,tượng thờ và đồ lễ còn nguyên, nhà sư lúc ấy đang trên chùa khiếp đảm bỏ đi biệt tích. Các phật tử rước tượng, đồ thờ vào trong hang đá.

Năm 1990, chùa Bảo Sái được trung tu lại , từ năm 1995 trở đi Bảo Sái trở thành một trong những ngôi chùa khang trang, đẹp đẽ nhất trong hệ thống chùa chiền ở Yên Tử. Đặc biệt, chùa Bảo Sái có tượng của ba vị Tam tổ Trúc lâm , cả 3 pho tượng đều đúc bằng đồng và sơn son thiếp vàng , bên trong rỗng để đựng bài vị, ghi tên tuổi, lai lịch của mỗi vị. Ngôi chùa khang trang hiện nay được công đức Phật tử bốn phương cùng Ban quản lý hoàn thiện năm 2013.

Truyền thuyết

Đầu hồi bên trái của chùa, có tượng ông Hổ đá soi mình dưới giếng thiêng. Gìa bản kể rằng: ngày xưa có một ông hổ ở đâu mò về chùa, độc chiếm cái hang bên giếng nước, cứ mỗi lần sư lên chùa tụng kinh gõ mõ là hổ lại rời hang ra gốc cây giổi nghe tụng kinh.

Ngày qua ngày, hổ với người sống an hòa, vô sự, vào  một ngày kia sư chùa lâm bệnh chưa tụng kinh xong thì đột ngột mệnh chung, hổ vươn dậy chân ôm ghì vào thân cây gầm thét, tiếng thét vang cả rừng núi, bên chùa Vân Tiêu nghe tiếng hổ gầm vội chạy sang thấy hổ nằm trong hang mắt nhắm nhỏ lệ. Họ vội vào chùa làm lễ an táng cho sư, từ đó ông hổ biệt tăm, để lại vết móng vuốt vào trong thân cây giổi.

 

Chùa thiêng

Tương truyền chùa nay thiêng lắm, có công việc gì sư chùa cũng được tổ báo mộng luôn, thỉnh thoảng sau chùa vẫn hiện ra hình một vị Bồ Tát.

Sau chùa còn có rất nhiều các bức tượng và bia đá được khắc bằng đá xanh do các phật tử thời nay công đức. Đặc biệt là tượng đá Trần Nhân Tông viên tịch trong tư thế sư tử tọa, bên cạnh là đệ tử Bảo Sái chắp tay cung kính, mô phỏng lại giờ khắc lịch sử khi Người hiển Phật .

Chùa Bảo Sái vừa là tên chùa vừa là tên của một vị đệ tử của đức Phật Trúc Lâm. Bảo Sái nghĩa tiếng Hán là những giọt nước chảy thành tua, nghĩa đạo là sự thấm nhuần mưa móc của Đạo Phật nhiệm màu đối với chúng sinh. Chùa Bảo Sái là một biểu tượng của sự thấm nhuần rễ đạo của Phật tử.

Chùa Vân Tiêu và cụm tháp Chín Tầng

Chùa Vân Tiêu

Gọi là chùa Vân Tiêu bởi vì chùa tọa lạc trên sườn núi phía tây dãy Yên Tử , dãy núi như tường thành chắn ngang luồng gió biển thổi vào, hơi nước tới đây ngưng đọng lại thành mây , mây trôi lờ lững trên triền non Yên Tử tới đây lập tức bị tiêu tan.

Vân Tiêu còn có nghĩa tiêu tan mọi nghiệp chướng của phàm trần. Trước kia chùa Vân Tiêu chỉ là am thất nhỏ, sau khi đức vua Trần hiển Phật nơi đây thành chùa, trải qua mấy trăm năm, qua nhiều lần trùng tu.

Trước mặt chùa, trên một ngọn núi thấp hơn là cụm tháp chín tầng còn gọi là cụm tháp Vọng Tiên Cung, gồm 6 ngọn tháp xây bằng đá và gạch trừ ngôi tháp 9 tầng cỡ lớn , tất cả đều nhỏ bé, khiêm cung, đó là năm tháp mộ thiền sư tu hành ở Vân Tiêu và viên tịch ở đây được đặt lên vòm đất tròn giống một ngôi mộ lớn.

Ngôi tháp chín tầng

Ngôi tháp chín tầng, bát giác, tượng trưng cho bát chính đạo được xây dựng vào thời Nguyễn, kiến trúc tòa tháp khá hài hòa, đường nét thanh thoát, đồ sộ, bề thế mà không nặng nề, đến nay còn nguyên vẹn. cả khối nặng tòa tháp đè lên lưng của một ông Rùa đá to lớn, một kiến trúc mang dáng dấp đình, đền. Cửa tháp quay về hướng tây biểu hiện ảnh hưởng của Lão giáo.

Trên vườn tháp Vân Tiêu trồng hai cây Tùng xanh, mỗi cây có hai loại tùng (trên một cây có hai loại lá của Xích Tùng, Thanh Tùng ) làm tăng thêm vể đẹp của vườn tháp.

Năm 2001 trung tâm UNESSCO nghiên cứu ứng dụng Phật học Việt Nam đã vận động phật tử xây dựng lại ngôi chùa. Ngày 28 tháng 3 năm 2002 chùa Vân Tiêu khánh thành.

Đứng trên thềm chùa ngắm nhìn vườn tháp mới thấy vẻ đẹp dung hòa giữa thiên nhiên, đất trời và những công trình văn hóa kì diệu.

Tượng An Kỳ Sinh

“Ngày xưa đạo sỹ An Kỳ Sinh

Tìm đến nơi đây luyện đan linh

Đi qua mắt ngọc rồng rực sáng

Ông nhận ra đây chốn địa linh”

Trên một bãi rộng, cây mọc lúp xúp thuộc một đỉnh núi thường xuyên có mây núi che phủ, có một hình tượng đá trông giống hình nhà sư đứng chắp tay cung kính, áo dài thướt tha, tà áo bay trong gió là tượng đá An Kỳ Sinh có dáng một đạo sỹ đang thuyết pháp giữa lồng lộng mây trời là một kiệt tác mà cho đến  ngày nay nhiều người cho rằng đó là tác phẩm của tạo hóa hay con người.

Tục truyền rằng

Ngày xưa núi này có nhiều cây thuốc mọc tự nhiên, người ta thường lên núi hái thuốc có một đạo sỹ tên An Kỳ Sinh chuyên hái và luyện thuốc trường sinh, ông đã hóa đá trên núi Yên Tử.

Còn theo PGS Nguyễn Duy Hinh, ông đã từng tìm hiểu rất nhiều sách vở và tài liệu cổ của Việt Nam lẫn Trung Hoa để lần tìm dấu vết của An Kỳ Sinh, một nhân vật có hành tung khá ly kỳ. Lịch triều hiến chương loại chí của nhà sử học Phan Huy Chú có dẫn bài thơ Thủy văn tùy bút của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài có nhắc đến An Kỳ Sinh như một vị tiên từng tu luyện linh đan trên đỉnh Yên Tử.

Như vậy, ngay từ thời Trần, trên núi Yên Tử đã có di tích về An Kỳ Sinh, đó là một bằng chứng có thể tin tưởng được và cũng có nghĩa, pho tượng này đã có tuổi đời khá lâu trước đó. Về nguồn gốc của vị đạo sĩ, PGS Hinh cho biết theo Liệt tiên truyện của Trung Quốc, An (hay Yên) Kỳ Sinh là người làng Phụ Hương, Lang Gia (huyện Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ quen gọi là Thiên Tuế Ông.

Tần Thủy Hoàng có lần đi tuần phương Đông, đã từng nói chuyện với ông rồi tặng ông ngọc bích. Không hiểu sao sau đó, ông bỏ số quà tặng quý giá này trong đình Phụ Hương, rồi để lại một bức thư, một đôi giày bằng ngọc để báo đáp và dặn Tần Thủy Hoàng là mấy năm sau hãy đến tìm ông ở núi Bồng Lai. Theo lời dặn, đến hẹn, Tần Thủy Hoàng sai Từ Phúc, Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì tàu gặp bão nên phải quay về.

Sau, Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ ông ở đình Phụ Hương và ven biển Đông Hải. Nhà Tần mất, ông đến ở cùng người bạn thân là Khoái Thông. Vua đời sau từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác, rồi không biết chết ở đâu.

An Kỳ Sinh

Trong một số thư tịch và sử liệu khác của Trung Hoa còn có thêm chi tiết, An Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu nhiều người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà chính mình trở nên trường sinh.

Đại Nam nhất thống chí của Việt Nam cũng từng nhắc đến loại cây thạch xương bồ này (tương truyền là một loại kỳ dược, có thể chữa nhiều bệnh) mọc khá nhiều trên đỉnh núi ở các vùng Sơn Tây (Hà Tây), Tam Dương và Lập Thạch (thuộc Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay).

Như vậy, khả năng An Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử để tìm cây thạch xương bồ cứu người hoặc luyện linh đan, sau đó ở lại đây tu luyện là có thể. Thêm vào đó, dưới thời Tần – Hán, con đường giao thương giữa Giao Châu với các miền ven biển Đông Hải khá thuận lợi. Những di tích khảo cổ học thời Ân Thương ở Quảng Đông và Việt Nam đã chứng tỏ mối quan hệ giữa 2 nước.

Hiện nay được sự đầu tư quan tâm của Nhà Nước, mặt bằng An Kỳ Sinh được quy hoạch thành một quảng trường rộng lớn và đặt tại đó là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cao tới 10m, nặng 100 tấn đồng phía trên tượng đá An Kỳ Sinh chùa yên tử quảng ninh.

 

Cổng Trời

chùa yên tử quảng ninh

Cổng Trời được tạo từ hai hòn đá  đặt gần nhau chỉ chừa một lối cho ngươì đi lọt, phía dưới Cổng Trời có một phiến đá mỏng cao hơn 5m, bề rộng dưới chân chừng 2m, mặt đá chính diện giống nhau như hình cái oản dâng cúng phật, trên khắc chữ hán được gọi là bia Phật.

Thượng tọa chùa Phúc Lâm Hải Phòng Thích Quảng Tùng khẳng định: tám chữ khắc trên bia phật là A – di – đà – Phật – tứ – tự – hồng – danh.

Chứng tỏ Yên Tử là một trong bốn Phúc Địa thiêng của Việt Nam xưa.

Chùa Đồng

     

chùa yên tử quảng ninh

Lịch sử 

Chùa Đồng tọa trên đỉnh núi Yên Tử ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Vào thời Lê, bà vợ chúa Trịnh đã công đức xây dựng một ngôi chùa bằng đồng tại đây. Trong chùa thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Chuông, đồ thờ khác cũng là chất liệu bằng đồng , ngôi chùa nhỏ như một khám thờ hay Ngọc Lộ, không ai được vào hành lễ, khi cung kính phải đứng xa mà lễ, chùa có tên là Thiên Trúc Tự, mang tên đất nước Phật Tổ Như Lai.

Năm 1740 thời Lê Cảnh Hưng, lợi dụng gió bão làm sạt mái chùa, kẻ gian đã lên đây tháo dỡ phần còn lại của chùa mang đi chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên cột đá .

Năm 1930, vị Thủ chùa Long Hoa tên là Bùi Thị Mỹ có nằm mơ thấy Phật Tổ Như Lai báo mộng phải  trùng tu, tái tạo thiền am nên lên đây tái tạo chùa đông bằng bê tông, cốt đồng trên một hòn đá vuông cao qua đầu người.

Năm 1993 , ông Nguyễn Sơn Nam một Việt kiều ở Mỹ cùng các phật tử hải ngoại đã hồi hướng công đức tái thiết một ngôi chùa đúc bằng đồng dựng bên chùa Đồng cũ.

Kiến trúc chùa Đồng

Chùa Đồng kiến trúc hình chữ Đinh theo dáng một bông sen nở ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá trạm trổ hình hoa sen cách điệu , trong chùa tôn trí tượng phật thích Ca Mầu Ni ngự tọa sen.

Hàng dưới là thờ ba vị Tam Tổ của dòng Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử: Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Đệ Tam Tổ Huyền Quang. Trên thế gian này, ít có ngôi chùa nào được đúc bằng đồng ngự trên đỉnh núi cao như ngôi chùa Đồng ở Yên Tử. Hai bên chùa được treo chuông và khánh do các phật tử ở Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng công đức.

 

Giá trị văn hóa và tâm linh

Trải qua năm thang thiên nhiên khắc nghiệt đã hủy hoại ngôi chùa cũ, vì vậy tăng ni, phật tử , nhiều cá nhân và tập thể trong ngoài nước đã đóng góp đển tôn tạo nên một ngôi chùa mới , xứng với tầm vóc của giá trị văn hóa và tâm linh này.

Lễ triển khai dự án tôn tạo chùa đã diễn ra vào ngày 23-10-2006 trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni, phật tử từ nhiều địa phương trong cả nước.

Đến ngày 12-12 năm Bính Tuất ( 30 -01-2007) một ngôi chùa mới được hoàn thành đúng như sự mong đợi của tăng ni, phật tử cả nước.

Theo thiết kế chùa Đồng mới gồm có một gian, hai chái và 4 hàng cột. Chiều cao từ cột lên tới mái là 3,35m, tổng diện tích là 20m2, tổng trọng lượng của ngôi chùa vào khoảng 70 tấn đồng. Toàn bộ hình thức kiến trúc ngôi chùa được thiết kế, kế thừa hình thức kiến trúc truyền thống với hệ cột, vì kèo mang dáng dấp của hệ cột, vì kèo tòa thượng điện chùa Dâu ( Thuận Thành – Bắc Ninh). 

Một kiến trúc tiêu biểu của ngôi chùa thời Trần còn sót laị cho tới ngày nay, các hệ mái đầu đao, bờ nóc, bờ chảy trang trí tinh xảo, bệ nền chùa bọc đồng đúc hoa văn, mặt trước chùa có hệ cửa bức bàn và các chấn song có thể mở ra, thấy rõ nội thất bên trong.

Chùa sẽ có một lối lên bằng bậc đá, lan can đồng nhưng lối đi này chỉ dùng cho các nghi lễ, hoạt động quan trọng. Dưới cầu thang có một hương án đá trạm trổ tinh xảo là nơi du khách thắp hương hành lễ, nhìn từ xa toàn bộ ngôi chùa giống như một đóa sen vàng trên nền trời cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *